Ngày 22/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm, làm việc tại Trường Đại học Việt Đức (VGU – thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), một dự án được coi là “ngọn hải đăng” trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.
Một trong những điểm đặc biệt của cơ sở giáo dục đại học này là cơ cấu tổ chức trong mô hình Ban Giám hiệu của nhà trường có sự tham gia của lãnh đạo địa phương – tỉnh Bình Dương, một trọng điểm vùng kinh tế phía Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Nói chuyện với tập thể Ban Giám hiệu, cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên và học viên của Trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao thành tựu bước đầu của thầy và trò nhà trường sau thời gian ngắn (9 năm) ra đời và đi vào hoạt động. Cho rằng đây là một cố gắng lớn của VGU trong sứ mệnh tiếp thu và chia sẻ tinh hoa nền giáo dục tiên tiến, khoa học kỹ thuật tiến bộ từ CHLB Đức đến với Việt Nam, Thủ tướng cũng đánh giá những thành tựu ban đầu này của VGU góp phần vào tiến trình cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cảm ơn sự giúp đỡ của Chính phủ CHLB Đức, đặc biệt là chính quyền Bang Hessen; đồng thời đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho VGU. Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn VGU sẽ phát huy tốt hơn vai trò cầu nối hợp tác của hai nền kinh tế và nhân dân hai nước Việt Nam – CHLB Đức; gắn kết nền giáo dục bậc cao, công nghiệp kỹ thuật cơ khí tinh xảo của Đức với công cuộc cải cách giáo dục của Việt Nam; qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – CHLB Đức.
Gợi ý một số định hướng phát triển cụ thể cho nhà trường, Thủ tướng đề nghị Ban Giám hiệu VGU cần bám sát yêu cầu phát triển các ngành nghề đào tạo sát với những lĩnh vực mà Việt Nam đang thiếu nhân lực và ưu tiên như công nghiệp cơ khí, phát triển đô thị, cơ khí ô tô… và đây cũng là những ngành nghề mà CHLB Đức có thế mạnh.
Trong tương lai, VGU cần sớm trở thành một mô hình một Đại học đạt chuẩn mực theo xu thế của thế giới, lấy kết quả nghiên cứu khoa học làm thước đo cho công tác dạy và học; vì lợi ích cộng đồng và cùng tham gia vào việc giải quyết các vấn đề phát triển của Việt Nam với khả năng áp dụng vào thực tiễn, góp phần vào việc nâng cao năng lực nghiên cứu của ngành khoa học Việt Nam.
Để làm được mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị tập thể Ban Giám hiệu, cán bộ, nhân viên và sinh viên VGU cần duy trì và phát huy tinh thần gắng sức, đồng lòng, gắn kết và tiếp thu, truyền tải tốt hơn những tinh hoa của nền khoa học tiên tiến CHLB Đức đến với Việt Nam và qua Việt Nam chia sẻ với thế giới.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu cơ chế tự chủ tài chính phù hợp để VGU phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình phục vụ tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và đất nước.
VGU là đại học công lập đầu tiên thuộc dự án xây dựng đại học mô hình mới; khởi đầu từ sáng kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen. Tháng 6/2010, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ và tiến hành cho vay khoản tín dụng ưu đãi trị giá 200 triệu USD thông qua Dự án xây dựng VGU để ủng hộ chương trình cải cách giáo dục đại học của Việt Nam.
Mục tiêu tổng thể của dự án là xây dựng VGU trở thành một trường đại học nghiên cứu, có chất lượng cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam; có cơ chế tự chủ về quản trị và tài chính; là một trường đại học, một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ hàng đầu ở Việt Nam, đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc với Trường Đại học Việt Đức. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Trên cơ sở đó, VGU được xây dựng trên các nguyên tắc thống nhất giữa giảng dạy và nghiên cứu, cũng như sự tự chủ về thể chế. Trường thực hiện cam kết chất lượng xuất sắc trong giảng dạy và nghiên cứu ở các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thông tin cũng như kinh tế và quản lý. VGU đang hướng đến trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, là lựa chọn hàng đầu của sinh viên, giảng viên và các nhà khoa học trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế và quản lý tại Việt Nam.
Hiện nhà trường đang triển khai 11 chương trình đào tạo, trong đó có 6 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ và 5 chương trình đào tạo trình độ cử nhân thuộc 5 khối ngành chuyên sâu về khoa học – kỹ thuật và công nghệ như: Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật cơ khí và sản xuất, Khoa học máy tính, Kinh tế và quản lý.
Bên cạnh sự hỗ trợ về tài chính của hai Chính phủ, VGU còn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về học thuật của Hiệp hội hơn 30 trường đại học đối tác Đức. VGU đang trong quá trình kiến tạo diện mạo của một trường đại học nghiên cứu kiểu mẫu với nét đặc trưng rất riêng: Cung cấp các chương trình đào tạo chất lượng cao thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế và quản lý, đã được kiểm định bởi các tổ chức có uy tín của Đức và quốc tế.
Sinh viên/học viên tốt nghiệp ra trường được nhận văn bằng của Trường và văn bằng của trường đại học đối tác Đức. Ngôn ngữ giảng dạy và học tập là tiếng Anh, ngôn ngữ quốc tế và ngôn ngữ của khoa học, đem lại lợi thế về cơ hội nghề nghiệp và phát triển học thuật cho các sinh viên, học viên tốt nghiệp của Trường trong môi trường làm việc, nghiên cứu mang tính quốc tế và toàn cầu.
* Nhân dịp về thăm và làm việc tại Bình Dương, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, tưởng nhớ Anh hùng liệt sỹ tại Bia tưởng niệm suối Mạch Máng (phường Tân Bình, thị xã Dĩ An) – địa danh lịch sử nơi diễn ra trận đánh suối Mạch Máng, còn gọi là Suối Sọ vào ngày 4/5/1968. Cách nay 49 năm, tại đây đã diễn ra trận chống càn vô cùng dũng cảm, kiên cường của bộ đội chủ lực cùng bộ đội địa phương, cán bộ dân quân du kích 2 xã Tân Hiệp và Bình Trị.
Hơn 1 ngày đêm bám trụ chiến đấu kiên cường, lực lượng chủ lực và nhân dân ta đã đánh trả hàng chục đợt tấn công ác liệt của kẻ thù. Chiến công này đã đánh đổi bằng xương máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cách mạng và nhân dân địa phương. Hiện nay, Bia suối Mạch Máng đang ghi danh 165 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh, trong đó có 155 liệt sĩ thuộc đơn vị bộ đội chủ lực và 10 liệt sĩ dân quân du kích địa phương.
* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã tới thăm hỏi, tặng quà cụ bà Lê Thị Não, 95 tuổi, 70 năm tuổi Đảng, cựu chiến binh bị địch bắt, tù đày đang sinh sống tại xã Tân Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Quang Vũ – Văn Việt (TTXVN)